Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức cá nhân thuộc thành phần kinh tế xây dựng để bán, cho thuê, thuê mua cho các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quy mô, số lượng nhà ở xã hội tùy thuộc nhu cầu mua, thuê và thuê mua của các đối tượng sinh sống trên địa bàn, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Ở Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Phê duyệt và công bố kế hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, xác định cụ thể loại nhà ở, nhu cầu về diện tích nhà ở, cơ cấu căn hộ dành để cho thuê, cho thuê mua, cân đối cụ thể với các nguồn vốn đầu tư và cơ chế khuyến khích để kêu gọi đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội.
Với loại hình và ý nghĩa của dòng nhà ở xã hội, mức giá mà nhà nước quy định rất hợp lý, đảm bảo cho các đối tượng được hưởng ưu đãi về nhà ở xã hội đều có thể sở hữu. Ngoài ra, Chủ đầu tư khi đưa ra giá bán, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định giá và phê duyệt mức giá trên cơ sở cân đối lợi ích của khách hàng và tổng mức đầu tư của chủ đầu tư
Khác với dòng nhà ở thông thường, Nhà ở xã hội có ba hình thức hỗ trợ về nhà ở xã hội : mua, thuê và thuê mua. Các đối tượng được mua, thuê, thuê mua cũng bị giới hạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, Việc mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội được điều chỉnh bởi Luật nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư 20/2016/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 100/2015. Chúng tôi xin tóm lược một số ý chính như sau:
Về các đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội, có 10 đối tượng:
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
- Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở
Để được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội, các đối tượng trên phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014
Quy trình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như sau:
- Bước 1: Khách hàng tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội tới Chủ đầu tư (Hướng dẫn thủ tục và thành phần hồ sơ được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội và thông tư 20/2016/TT-BXD hướng dẫn nghị định 100/2015/NĐ-CP);
- Bước 2: Chủ đầu tư tổ chức rà soát hồ sơ và chấm điểm theo quy định;
- Bước 3: Chủ đầu tư đề xuất thành lập hội đồng bốc thăm và phê duyệt Quy chế bốc thăm;
- Bước 4: Chủ đầu tư Báo cáo Sở Xây dựng về tình hình tiếp nhận hồ sơ đồng thời lập Danh sách các đối tượng Dự kiến được giải quyết Mua/thuê mua/thuê NOXH theo thứ tự được ưu tiên;
- Bước 5: Chủ đầu tư thông báo kế hoạch bốc thăm và quy định bốc thăm cho các khách hàng có hồ sơ đạt yêu cầu đồng thời thông báo kết quả cho các khách hàng có hồ sơ không đạt (nêu rõ lý do);
- Bước 6: Chủ đầu tư tiến hành tổ chức bốc thăm quyền mua và vị trí căn hộ đối với những khách hàng có hồ sơ đạt yêu cầu theo quy định;
- Bước 7: Chủ đầu tư tiến hành ký hợp đồng mua bán/thuê/thuê mua với khách hàng bốc trúng căn hộ.
Về biểu mẫu và thành phần hồ sơ, khách hàng tham khảo tại thông tư 20/2015/TT- BXD hướng dẫn nghị định 100/2015/NĐ-CP về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội.